Nâng cao công tác chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong thời đại bùng nổ thông tin, con người bị cuốn vào guồng quay của công việc và luôn gắn liền với những thiết bị, phương tiện truyền thông hiện đại thì hoạt động chiếu phim lưu động không còn được quan tâmnhư trước. Tuy nhiên, đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng biển, biên giới, chiếu phim lưu động vẫn luôn là một nhu cầu về văn hóa, một kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nhanh chóng, hiệu quả.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị về công tác chiếu phim lưu động

Vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đồng bào

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đối với người dân sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển thì vai trò của công tác tuyên truyền thông tin bằng hình ảnh có tác động nhanh chóng, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Những điểm chiếu phim lưu động đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở miền núi.

Xác định chiếu phim lưu động là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống tinh thần của đồng bào và chiến sĩ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo… Với phương châm hướng về cơ sở; lấy các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn làm địa bàn hoạt động chính, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung mọi nguồn lực, xây dựng các kế hoạch, chương trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, động viên cán bộ, nhân viên của 4 Đội chiếu phim lưu động chủ động bám sát địa bàn, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đón nhận nhiệt tình của bà con nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Hoạt động chiếu phim lưu động vẫn là một trong những công cụ văn hóa và tuyên truyền hiệu quả, một kênh thông tin hữu hiệu ở cơ sở, mỗi buổi chiếu phim kết hợp với tuyên truyền của các Đội chiếu phim lưu động đã có tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm giảm chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đời sống tinh thần của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ở miền núi, trên địa bàn tỉnh, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng, đoàn kết các dân tộc, động viên bà con đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển giàu đẹp.

Mỗi năm, các Đội chiếu phim lưu động phục vụ từ 480 – 500 buổi chiếu, với gần 200.000 lượt người xem, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông với hàng trăm buổi chiếu phim, tại 46 xã miền núi, 45 xã đặc biệt khó khăn và 20 xã vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt kế hoạch giao, đảm bảo số lượng, chất lượng các buổi chiếu. Phần lớn các chương trình phim do Cục Điện ảnh phát hành đều có nội dung đặc sắc, như chiếu phim về đề tài: Chiến tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về tình yêu và tuổi trẻ, người tốt, việc tốt…; phim tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, công tác Kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền tác hại của ma túy, phòng chống tội phạm, xây dựng Nông thôn mới. Đặc biệt, trong 2 năm, 2021 và 2022 khi dịch bệnh COVID – 19 bùng phát, đơn vị đã chuyển hướng tổ chức hoạt động chiếu phim lưu động sang tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID – 19, tiếp cận với các khu vực đông dân cư để tuyên truyền phòng, chống dịch. Đã có hàng nghìn buổi tuyên truyền hiệu quả… đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra, đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị đề ra của đơn vị và của toàn ngành.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chiếu phim lưu động

Thực tế cho thấy, hiện nay phương tiện thông tiện nghe nhìn hiện đại ngày càng phổ biến, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào, kể cả vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng lên, song, những buổi chiếu phim lưu động tại nhiều thôn, làng, bản vẫn thu hút một số đông khán giả đến xem. Người lớn, trẻ em đều háo hức chờ đón những buổi chiếu phim đầy ý nghĩa và mang đậm tính cộng động. Đồng bào rất vui mừng mỗi khi có Đội chiếu phim lưu động về bản, nhiều hộ dân đã có tivi, có internet nhưng mọi người vẫn thích xem chiếu phim màn ảnh rộng, nhất là những bộ phim về cách mạng, về Bác Hồ, về đồng bào miền Tây Thừa Thiên Huế luôn tự hào được mang họ Bác, suốt đời trung kiên đi theo Đảng và Bác Hồ… Đây vẫn là đội quân xung kích quan trọng của địa phương, ngoài nhiệm vụ chiếu phim, còn kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, từng bước cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân, lấp đầy “vùng lõm” về nhu cầu hưởng thụ văn hóa ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Vai trò, vị trí của công tác chiếu phim lưu động đối với hoạt động văn hóa cơ sở, điều này đặt ra cho ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế việc xây dựng các Đội chiếu phim lưu động đủ mạnh để đưa điện ảnh –  một loại hình nghệ thuật tổng hợp mang tính đặc thù, có giá trị biểu đạt cao về nghệ thuật và tư tưởng đến với người dân, những vùng đặc biệt khó khăn, góp phần đưa văn hóa về cơ sở, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tại Hội nghị “Nâng cao công tác chiếu phim lưu động” do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tổ chức với sự tham dự của các nhà quản lý, các ban, ngành, đơn vị liên quan và lãnh đạo UBND của 145 phường, xã trên toàn tỉnh đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và cùng chung nhận định về công tác chiếu phim lưu động cần phải thay đổi trong cách tiếp cận, phương pháp tổ chức, nhân tố con người, đối tượng thụ hưởng … trong đó tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:

Tập trung xây dựng 4 Đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh thực sự là một lực lượng mạnh, có chất lượng tốt về nhân lực với phương tiện thiết bị từng bước được bổ sung và hiện đại, là lực lượng trụ cột, giữ vai trò quan trọng, chủ yếu của Điện ảnh Thừa Thiên Huế phục vụ đồng bào miền núi, vùng biển, đầm phá, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phục vụ các lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách…

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ thuật chiếu phim, biên tập nội dung, tuyên truyền, thuyết minh và công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chiếu phim lưu động.

Tập trung quán triệt quan điểm: Đội chiếu phim lưu động không chỉ thực hiện đạt chỉ tiêu số buổi chiếu phim lưu động mà đặc biệt phải chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của mỗi buổi chiếu, chú trọng việc xây dựng lực lượng mạnh về nhân lực và phương tiện thiết bị, đội ngũ trẻ, khỏe, trí tuệ, tâm huyết, yêu nghề, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, năng động, sáng tạo, tự giác, trách nhiệm, xứng đáng là những chiến sĩ văn hóa phục vụ nhân dân, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Nâng cao công tác phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế để có sự hỗ trợ kịp thời; thường xuyên liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh, các Đội chiếu phim lưu động với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để tổ chức có chất lượng và hiệu quả tốt công tác chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào. Đây là vấn đề phải được lưu ý đặc biệt, vì chỉ có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với các địa phương, được các địa phương quan tâm hỗ trợ thì công tác chiếu phim lưu động mới được thực hiện đạt kết quả tốt.

Ký kết, phối hợp với BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Trại giam Bình Điền để chủ động trong công tác tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ cán bộ, chiến sĩ và các trại giam trên địa bàn tỉnh…

Chủ động phối hợp với các Trung tâm Bảo trợ chính sách người có công, thuộc ngành Lao động Thương binh và Xã hội để có kế hoạch đưa các đơn vị chiếu phim lưu động đến phục vụ các đối tượng chính sách theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động chiếu phim lưu động của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển, thực sự là công cụ tuyên truyền hiệu quả, tiếp sức cho sự nghiệp đưa văn hóa nghệ thuật về với cơ sở, lan tỏa sâu rộng đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển và đầm phá, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đối tượng chính sách và các vùng miền khác trên địa bàn toàn tỉnh.

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

Hits: 95