GHI NHẬN TỪ LỚP TRUYỀN DẠY NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT VÀ THỂ THAO TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
GHI NHẬN TỪ LỚP TRUYỀN DẠY NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ
TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT VÀ THỂ THAO TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc Dân tộc của Việt Nam, mang trong mình những nét đẹp độc đáo của âm nhạc dân tộc đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nó không chỉ là tiếng lòng, là tâm hồn của người dân Nam Bộ mà còn là sự kết tinh của trí tuệ, tài hoa và tình yêu quê hương đất nước. Những cung bậc, điệu thức trong đờn ca tài tử không chỉ đơn thuần là âm nhạc mà còn là lời nhắn gửi, là câu chuyện văn hóa, lịch sử được truyền tải qua từng nốt nhạc, lời ca. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một do sự thay đổi của thị hiếu âm nhạc và lối sống hiện đại, Đờn ca tài tử cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, việc mở các lớp truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Đây cũng là cơ hội để các học viên – những người yêu mến và đam mê nghệ thuật truyền thống được học hỏi, trau dồi kỹ năng và hiểu sâu hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc.
Với mong muốn bảo tồn, phát triển và lan tỏa bộ môn nghệ thuật thuật Đờn ca tài tử cho thế hệ trẻ, vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức mở lớp truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử cho đối tượng là học sinh, sinh viên và những người yêu mến Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh.
Lớp học năm nay được tổ chức từ ngày 14 tháng 3 đến ngày 27 tháng 3 năm 2025 tại Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và 3 trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Bà Rịa. Lớp đã quy tụ những người yêu thích nghệ thuật, từ những bạn nhỏ tuổi đến các cô chú lớn tuổi có chung một đam mê khám phá văn hóa đặc sắc của dân tộc, muốn tìm đến cội nguồn âm nhạc dân tộc. Hầu hết các buổi học không chỉ là nơi truyền dạy kỹ năng mà còn là không gian giao lưu, kết nối tâm hồn giữa những người cùng chung sở thích. Với những lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích của Thạc sỹ, NSƯT Huỳnh Khải – Nguyên Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện Tp.HCM, một người thầy, người nghệ sĩ đồng thời cũng là nhà nghiên cứu về nghệ thuật đờn ca tài tử. Thầy đã chia sẻ, truyền đạt cho các học viên, các em sinh viên, học sinh… hiểu rõ về lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Từng lời ca hòa chung tiếng đàn ghi ta thánh thót, tiếng đàn cò trầm bổng, da diết hòa quyện tạo nên một không gian đầy cảm xúc và hấp dẫn. Dù chưa thật sự thành thục, nhuần nhuyễn, nhưng tất cả các học viên đều chăm chú lắng nghe và cố gắng tiếp thu, nắm bắt theo từng nốt nhạc. Một bạn sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm chia sẻ: “Em được nhà trường cử đi học, lúc đầu em chưa biết mình đi học môn nghệ thuật này sẽ bắt đầu như thế nào? Vì thực sự em không hào hứng mấy, đến đây rồi, được hòa mình vào lớp học cùng các cô chú, anh chị và mỗi bài hát vang lên đều có một cảm xúc rất riêng của người dân Nam Bộ cần cù, bình dị, nhưng cũng rất nhân văn, khiến em cảm thấy có hào hứng và chăm chú lắng nghe, học hỏi nhiều hơn”.
Nhóm các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm tham gia biểu diễn.
Điều đặc biệt ở lớp học này là sự tương tác giữa thầy và trò. Thầy không chỉ dạy kỹ thuật mà còn thị phạm, truyền cảm hứng, khơi gợi tình yêu với nghệ thuật truyền thống. Cuối mỗi buổi học, thầy chia học viên ra thành các nhóm, mỗi nhóm lên trình bày 1 bài. Từng nhóm đều hào hứng nhẩm hát bài của mình, có những học viên lúc đầu còn ngại ngùng, xấu hổ không dám lên sân khấu, nhưng qua 2 buổi học đầu tiên, các bạn đã mạnh dạn và tự tin hơn khi cất cao tiếng hát của mình hòa quyện cùng tiếng đàn. Những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười hạnh phúc cho thấy rằng Đờn ca tài tử không chỉ là nghệ thuật mà còn là niềm vui, là sự kết nối giữa các thế hệ với nhau, cùng nhau trải nghiệm, để từ đó, các bạn trẻ có thể trở thành những hạt nhân nòng cốt trong việc lan tỏa và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử trong cộng đồng, để phong trào đờn ca tài tử ngày càng mở rộng trong nhịp sống hiện đại.
Tiết học Đờn ca tài tử của các em học sinh Trường THCS Dương Văn Mạnh.
Tại buổi tổng kết lớp học, ai cũng rất hào hứng để được biểu diễn tiết mục của mình. Đó là những tín hiệu rất vui, là kết quả bước đầu cho sự nỗ lực phát triển phong trào Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao nói riêng và phong trào Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.
Tiết mục biểu diễn trong buổi báo cáo tổng kết lớp học.
Ông Trần Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao phát biểu tổng kết lớp học.
Bài: Bichnguyen
Ảnh : Thành Thọ
Views: 12