Ngược về vùng địa đầu xứ Mô Xoài

Long Điền (Bà Rịa -Vũng Tàu) trước đây là vùng địa đầu của Xứ Mô Xoài, được tiền nhân khai phá sớm ở đất phương Nam. Nơi đây từng khắc họa và vẫn con lưu truyền lại bằng những câu ca – đồng dao lục bát dân dã, đậm hồn quê, được nhắc nhớ cho đến tận hôm nay:

Đèo Nước Ngọt sở hữu khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục.

Chim bay về núi tối rồi

Chị em lo liệu lấy nồi nấu cơm

Nấu cơm rồi phải nấu canh

Bỏ ba hột muối bỏ hành cho thơm…”

Hay:

“Ai ơi nhớ lấy cho nha

Chớ đi nước mặn mà hà ăn chân…”.

Nơi đây đã từng gắn liền với những địa danh thật dân dã như: cầu Thủ Lựu, kinh Tham Lương – Đồng Don – sông Hàn, sông  Dinh – Bà Rịa đến Bàu Trại, Đùn Bé – Ao Vuông – ngã tư Vũng Vằn – Rạch Tre – Xóm Búng, Ngã 3 Cây Mít (góc đường Hồ Tri Tân  giao với đường Võ Thị Sáu) – Bàu Tây – gò Ông Chài – Long Tâm – đồng ruộng Nhỏ, đồng Đá Tượng – chùa  Bà.

Nơi đây từng có con đường đất ruộng thông thương nối liền với đường chùa Bà, để dân làng vùng Long Tâm, Long Toàn đi xuống chợ cũ Long Điền trước đây (nay đoạn đường trước Đá Tượng – chùa Bà, mang tên đường Châu Văn Biếc, thị trấn Long Điền), kế bên là bàu Ông Già – Long Liên,  Bàu Tràm – Cây Xanh, Xóm chuông – thợ đúc, thuộc trung tâm  thị trấn Long Điền… Xa hơn nữa là cầu Bàu Súng – Bưng Bạc – Long Phước, nơi còn lưu dấu di chỉ – di tích Bưng Bạc.

Trên đường từ tỉnh lỵ ra Long Hải qua đoạn Đá Giăng, Lò Vôi – Phước Hưng xuống Dốc lết – Nước Ngọt – Long Hải; xa xa về mé mặt trời lặn là gò ông Sầm – Giếng Cạn – Phước Tỉnh, Trại Nhái bên Cấp – Vũng Tàu và bao địa danh nữa đã đi vào lòng người.

Ngày nay, nhiều địa danh đã trở thành những điểm di tích lịch sử văn hóa. Theo đó, thị trấn Long Điền với quần thể kiến trúc cổ – Đình Long Điền và độc đáo hơn còn lưu dấu một bức tường thành phía sau đình. Nơi đây vẫn còn nhiều gốc cổ thụ cả mấy người ôm mới giáp vòng, được gắn liền với di tích Bàu Thành. Cũng nơi này có lẽ từng nảy sinh, khắc họa lại bởi câu ca dao đầy thi vị:

“Chừng nào Bừng Bạc hết sình

Bàu Thành hết nước chúng mình xa nhau”.

Gần trung tâm thị trấn Long Điền, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Long Bàn còn lưu lại nhiều nét nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo, trầm mặc, cổ kính và lưu truyền qua nhiều đời, đáng được chiêm ngưỡng và bảo tồn cho mai sau.

Tiếp bước sang làng bánh tráng An Ngãi, từ cầu Đá Thùng ra Chợ Bến, du khách hãy đến tham quan núi Chân Tiên. Cạnh bên là Long Hòa cổ tự, Tổ đình Thiên Thai (xã Tam Phước). Từ núi Dinh Cố phóng tầm mắt về hướng Đông là cánh đồng lúa Tam Phước – An Nhứt tít tắp trải dài. Nhìn về phía Tây, xa xa đầy ắp bởi cánh đồng muối trắng phau, chạy từ Vũng Vằn đến tận Lò Vôi, xã Phước Hưng. Cảnh sắc ấy khiến bao lữ hành mỗi khi có dịp đi qua Tỉnh lộ 44A không khỏi nao lòng.

Đến viếng Mộ Cô vào dịp Tết hay mỗi kỳ Lễ hội Dinh Cô – Long Hải, đứng trước cảnh sơn thủy hữu tình, ngắm mũi Kỳ Vân bên dãy Châu Viên – Châu Long, Bồng Lai – đèo Nước Ngọt, ta nghe văng vẳng bên tai câu ca ẩn dụ chất thơ nơi này:

“Bồng Lai tiên cảnh đá cheo leo,

Ai thương cô Quý ráng mà trèo”.

Con đường mòn năm nào đã thành tuyến lộ rộng mở, dẫn dắt lữ khách lên núi rừng xanh mát, viếng thăm khu di tích lịch sử Cách mạng Minh Đạm, với Đền thờ liệt sĩ Minh Đạm, thăm hòn đá Giăng, đá Chẻ, kẹt Hòn Dung uy nghiêm.

Men theo lộ rồi len lỏi qua ghềnh đá biển Bóp Kèn qua Cầu Tum – Phước Hải, hay rẽ vào tuyến Chùa Hòn Một – Hay, trước đó, lách ngang tuyến Long Hải – Phước Hưng theo sườn núi Hòn Thung – Hồ Bút  Thiền trên đường tới Sở Bông, nay trở nên khá đẹp. Vì nơi đây có vài đoạn uốn lượn quanh quanh chẳng khác gì đèo lên Đà Lạt! Rồi tiếp nối ra ngã ba cổng lên đền Minh Đạm với đường Long Phù dọc Long Mỹ kéo tận cầu Bà Mía, chạy qua Cầu Sa – Phước Hội  đi đến Lộc An – Bến Khỉ. Nơi khắc ghi Di tích Đoàn tàu không số – Hồ Tràm – Hồ Cốc, Suối nước nóng Bình Châu (Xuyên Mộc) để tới Cù My – La Gi – Hàm Tân, Phan Thiết sẽ đùa vui cùng sóng biển trong xanh ngút ngàn. Nay, dọc hai bên con lộ hữu tình ấy đã nép mình dưới bao khu resort, khách sạn tân kỳ, hiện đại đang từng ngày mọc lên và phát triển, cả dự án sân bay, như muốn nhìn ngắm xa xăm bao dãy núi thấp thoáng mây mờ trong sương như núi Mây Tàu, núi Dinh, Thị Vải, Tóc Tiên, Long Sơn – Núi Nứa; núi Ngang, Đá Dựng, Châu Viên Châu Long: Núi Lớn Núi Nhỏ, ra tận núi Chúa, núi An Hải hay Hòn Bảy Cạnh ở Côn Sơn – Côn Đảo…

Và, mới mấy năm gần đây thôi, trên cung đường vòng biển ấy đã được tỉnh đầu tư nâng cấp, không ngừng mở rộng thành đường ven biển kết nối từ cảng nước sâu Cái Mép – Thi Vải qua cầu Gò Găng (thêm dự án sân bay mới, sau này) tới ngã 3 Long Sơn – Vũng Tàu (gần nơi cầu Cây Khế trước đây đã lấp) – vượt cầu Cửa Lấp bước sang Long Hải – Phước Hải đến Lộc An đến khu du lịch Hồ Tràm – Bến Lội – Nước nóng – Bình Châu (Xuyên Mộc) như vừa điểm qua.

Điểm đáng chú ý hơn nữa là mới đây các ngành chức năng vừa tìm thấy Di tích Vòng thành Đá Trắng tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc là di tích thành cổ còn nguyên dạng nhất với các di tích đã biết trên vùng đất Nam bộ. Các chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị quản lý di tích nhận định, việc khai quật di tích Vòng thành Đá Trắng sẽ đem lại nhiều giá trị về văn hóa – lịch sử và du lịch.

… Luôn hấp dẫn du khách từ mọi miền trong và ngoài nước về đây thưởng ngoạn, cũng như tìm cơ hội đầu tư, nhất là mở rộng ngành du lịch góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Bà Rịa – Vũng Tàu qua con đường duyên hải đầy tiềm năng kinh tế du lịch biển.

Lễ hội Dinh Cô – Long Hải.

Trước khi về lại  trung tâm Thành phố Bà Rịa, có thể vòng lên Tỉnh lộ 965-  Cẩm Mỹ, hoặc vào Xuân Sơn – Bình Giã ra Quốc lộ 56 – Châu Đức; hoăc tiện đường Từ Bà Tô – Xuyên Mộc theo Quốc lộ 55 – Cầu Trọng băng ngang dốc Cây Cám – Láng Dài đến với công viên tượng đài và khu lưu niệm nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ, hay dọc theo Tỉnh lộ 52 qua Ba Cầu, Phước Lợi – Bờ Đập xuôi về lộ 44 hậu – Dòng Ổi, du khách có thể dừng chân ghé lại viếng thăm và tìm hiểu thêm về truyền thuyết khu Mộ Bà Rịa, được bà con trong vùng gìn giữ và trùng tu lâu nay, gắn kết với Cầu Bà Nghè – Xóm Lãnh – đình làng Hắc Lăng với lãnh tía và mộ Quận công Châu Văn Tiếp (di tích cấp tỉnh) danh tiếng một thời  ở triều Nguyễn, góp công mở rộng đất phương Nam khi tiền nhân vào khai phá vùng đất Mô Xoài này.

Và, đừng quên thưởng thức món bánh hỏi khoái khẩu, cạnh Cầu Ngang, thuộc làng nghề truyền thống An Nhứt, theo tục gọi Gò Dầu, một thời nổi tiếng với lúa gạo Nanh chồn dương như đã đi vào nông sử ở xứ mình, xa lắc còn gì!

Ngày nay, có lẽ, di tích văn hóa còn lưu lại không chỉ để tìm hiểu, hoài niệm, chiêm ngưỡng mà sẽ còn là từng nơi nơi hấp dẫn, thu hút mọi người mong muốn đến tham quan, khảo cứu về lịch sử cho không ít ai quan tâm tìm đến. Các địa danh, thắng cảnh này luôn trở thành một nguồn sản phẩm du lịch cần thiết, thấm đậm tính khoa học lịch sử và văn hóa dân gian luôn cần được giữ gìn, trân trọng và gắn kết đầu tư bằng nhiều nguồn lực để di tích được bền chặt, mang ý nghĩa và tốt đẹp hơn. Vì sau đại dịch COVID-19 và các biến thể – biến chủng Delta, Omicron… qua đi, kinh tế, xã hội và du lịch trong tỉnh cũng đang trên đà phục hồi và tăng trưởng.

HẢI NGUYÊN
(https://baobariavungtau.com.vn/)

Hits: 17